Chanh dây còn gọi là chanh leo, vỏ màu tím, ruột vàng, vị thơm mát, có rất nhiều tác dụng tốt với sức khỏe. Tuy nhiên cũng có một số điều bạn cần lưu ý khi sử dụng để có hiệu quả cao nhất.
Tác dụng với sức khỏe
Những điều cần biết về chanh dây là người huyết áp thấp không nên sử dụng.
Người ta đã chứng minh trong chanh dây có đầy đủ nguồn vitamin A và C, sắt, kali và các thành phần dinh dưỡng khác cũng như các hoạt chất sinh học có lợi cho sức khoẻ. Thịt quả thường dùng để chế biến nước giải khát. Ruột chanh leo có thành phần hoá học thay đổi tuỳ theo từng chủng loại và điều kiện trồng trọt.
Ruột chanh (áo hạt) có tác dụng khai vị, lợi tiểu, khử nóng, sát trùng. Các kết quả nghiên cứu đã chứng minh rằng: những người bị bệnh cao huyết áp và mạch vành uống nước chanh dây có tác dụng cải thiện tình trạng bệnh nhờ axit citric kết hợp với canxi làm hoãn giải tình trạng máu bị đông do tích tụ tiểu cầu. Chanh leo còn có tác dụng giải cảm, hạ huyết áp, giảm béo, khỏi đau, gia tăng sự tuần hoàn của máu.
Nước ép từ chanh dây có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư nhờ những chất hợp chất phytochemical tìm thấy trong ruột chanh. Các axít phenolic và flavonoid có tác dụng ngăn ngừa bệnh tim mạch và chống nhiễm trùng. Các chất tan trong nước cũng như tan trong dầu đều có tác dụng chống oxy hoá tế bào, tăng cường miễn dịch, chống lão hoá. Chanh dây chứa nhiều loại đường đơn, giúp tăng cường thể lực nhưng không hại cho người tiểu đường.
Lưu ý khi sử dụng
Dù chanh dây nhiều lợi ích, nhưng dùng thường xuyên và liều cao hơn sẽ dẫn đến các tác dụng phụ như mệt mỏi, buồn nôn, người đờ đẫn và buồn nôn. Người bị huyết áp thấp không nên sử dụng. Chanh dây cũng có thể tương tác với các thuốc an thần và thuốc kháng histamine hoặc một số thảo dược, và làm tăng mức độ buồn ngủ. Nó còn làm tăng nguy cơ chảy máu vì tương tác với thuốc chống đông. Chính vì thế khi đang bị thương, trầy xước trên da, bạn không nên sử dụng. Chanh dây cũng dễ gây dị ứng trên da như nổi mề đay, khó thở, hen suyễn và phù mạch máu. Không dùng chanh dây cho người loét dạ dày vì nhiều axít hữu cơ, và có nguy cơ xuất hiện sỏi thận.
Cần đến bác sĩ ngay nếu thấy một trong các triệu chứng trên.
Cũng không nên dùng liều quá cao cho phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú.
Hầu hết các chất dinh dưỡng của quả chanh leo tập trung ở ruột chanh (áo hạt), còn hạt chanh hầu như không có giá trị dinh dưỡng, khi vào cơ thể hạt chanh leo không tiêu hoá được. Do vậy khi sử dụng nên tận dụng hết phần ruột chanh (áo hạt), không nên uống cả hạt. Theo thói quen, một số người uống cả hạt chanh leo và cho rằng như thế mới tốt là không có cơ sở.